Quan lại Nguyễn_Đình_Cổn

Năm 1668, ông được chúa Trịnh Tạc cử làm Giám sát Ngự sử đạo Lạng Sơn.

Năm 1676 ông được Đặc tiến gia phong đại phu - Thiêm đô Ngự sử.

Năm Chính hòa thứ 6, cử Chánh sứ Nguyễn Đình Cổn, Phó sứ Nguyễn Tiến Tài đi sứ nhà Thanh - tức vào năm 24 đời vua Khang Hy nhà Thanh (1685).

Ông mất trên đường đi sứ khi mới 33 tuổi. Vua Lê Hy Tông cử hành lễ nghi trang trọng, đưa về bản xứ Nghệ An, sức phát cho các quan thân chức tước văn võ rước, đón, táng thi hài ông ở Cồn Lăng thuộc huyện Thanh Chương. Sau đó, đến tháng 6, năm Nhâm Thìn, con cháu, các môn sinh và các quan văn võ tổng Bích Triều, làm lễ cải táng và chuyển mộ ông về xứ Cồn Cun (nay thuộc xã Thanh Giang, Thanh Chương). Vua Lê truy tặng ông 3 chữ “tử vì quốc” và chức “Tả thị lang bộ Hình, Đông triều Nam tước".

Dân huyện lập đền thờ phụng tại thôn Bích Triều, hằng năm 19/11 âm lịch tổ chức cử hành đại lễ.

Ông có văn bia trong Văn miếu Quốc tử giám và Văn miếu đình Võ Liệt.

Năm 2020, tỉnh Nghệ An[4] quyết định đặt tên cho ông làm một con đường ở Thị trấn Dùng.

Nhiều sử sách lưu giữ tên ông như: Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt lịch triều đăng khoa, Lịch triều đăng khoa bị khảo, Nghệ An ký, Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Việt sử ký tục biên...

Ông còn là một nhà thơ, các tác phẩm của ông còn được lưu lại khá nhiều trong Tổng tập Văn học Việt Nam[5] như: Họa vần mừng Quốc lão, Họa bài thơ lưu biệt của Chu Xán, Thứ vận hạ hữu thị lang...